RƯỢU HAY BIA ĐỘC HẠI HƠN ĐỐI VỚI SỨC KHỎE?

Bia rượu, thủ phạm hàng đầu gây các bệnh ở gan, không ít người nghĩ rằng, rượu có độ cồn cao nên chuyển sang uống bia sẽ tốt hơn và không hại gan, điều này có đúng?
Có rất nhiều trường hợp mắc bệnh gan được ghi nhận, cho rằng vì mình chỉ uống bia, đâu có uống rượu, sao lại có thể bị xơ gan được? Đây là sai lầm rất tai hại mà rất nhiều người Việt đang mắc phải.
Chuyên gia khuyến cáo quan niệm uống bia hoặc rượu vang thay cho rượu vì nghĩ nồng độ cồn thấp ít ảnh hưởng đến sức khoẻ hơn là một sai lầm.
Hiểu đơn giản, tức là uống khoảng 200 ml rượu mạnh 40-50 độ, nhiều người chuyển sang uống hết chai vang khoảng 600 ml. Nhưng với độ cồn là 12 thì họ đã nạp vào cơ thể gần tương đương với lượng cồn trong rượu mạnh.
Tương tự, nhiều người bỏ rượu và chuyển sang uống bia. Độ cồn của bia là khoảng 5%, nhưng nếu uống 2-3 lít bia trong một bữa nhậu thì lượng cồn cũng tương đương họ uống 200 ml rượu mạnh 50 độ.
Thống kê cho thấy ở nước ta, mỗi năm tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu, một con số thật sư đáng ngại. Thậm chí, người ta ước tính tới năm 2020, sản lượng bia sẽ tiến tới hơn 4 tỷ lít/năm. Nếu người dân còn cho rằng bia ít hoặc không gây độc hại, con số này sẽ thành hiện thực, đồng nghĩa nhiều hệ lụy về sức khỏe, xã hội sẽ bị kéo theo, đáng báo động.
Các chuyên gia cho biết hiện nay mức tiêu dùng bia tại Việt Nam rất cao, trong khi kiểm soát quy định với mặt hàng này chưa có. Đặc biệt, truyền thông đang coi bia như là đồ uống giải khát, bổ dưỡng. Điều đó làm cho người dân hiểu rằng bia không có hại cho sức khoẻ, thậm chí có lợi.
Luật pháp của Việt Nam cũng mới chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn các loại bia và rượu dưới 16 độ không được hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian…
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc sớm ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là điều rất cần thiết.